Vị mục sư cứu sống hơn 1500 đứa trẻ trong 11 năm nhờ “Chiếc hộp nhận trẻ sơ sinh”
Câu chuyện vừa ấm lòng vừa đau lòng này được ghi lại ở Hàn Quốc, đất nước có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, nhưng hàng ngày vẫn có những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngoài phố, bên trong các bệnh viện hay thậm chí là trong thùng rác…
Nhân vật anh hùng trong câu chuyện hôm nay của chúng ta là mục sư Jong – Rak Lee, người phục trách nhà thờ cộng đồng Jusarang, tại Seoul, Hàn Quốc. Vào tháng 12 năm 2009, mục sư Lee đã tạo một hộp đặt trong tường nhà mình. Chiếc hộp này rất đặc biệt. Nó gồm hai cửa, một cửa thông vào nhà mục sư, một cửa thông ra phố.
Khi có ai đó mở cánh cửa ngoài phố và đặt một em bé vào đó, cân nặng của em bé sẽ kích hoạt hệ thống và tạo ra một tín hiệu âm thanh. Chỉ 10 giây sau khi em bé nằm an toàn trong chiếc hộp, mục sư sẽ có mặt để đón em. Chiếc hộp này tuyệt đối an toàn cho em bé, nó có lót chăn và được trang bị một hệ thống điều hòa không khí để giữ ấm.
Bên ngoài chiếc hộp, người ta có thể đọc được một lời nhắn nhủ: “Nếu bạn không thể nuôi đứa trẻ của mình vì chúng có một khiếm khuyết nào đó, hay bạn là một người mẹ đơn thân, xin đừng để chúng phải chết, hãy mở chiếc hộp này và đặt chúng vào bên trong”.
Mục sư Lee chia sẻ với kênh Youtube Nas Daily rằng ông đã nhận chăm sóc hơn 1500 đứa trẻ sơ sinh như thế từ khi chiếc hộp nhận trẻ này ra đời. Một tỉ lệ nhỏ trong số chúng bị khiếm khuyết, nhưng đa số đều là những thiên thần nhỏ lành lặn, tuy nhiên chúng không được cha mẹ chào đón.
Những đứa trẻ mới vài tháng tuổi được đặt trong “hộp nhận trẻ” này là kết quả của những lần mang thai ngoài ý muốn, mang thai khi còn là thiếu niên, hoặc là kết quả của việc cưỡng hiếp. Trong cuộc phỏng vấn với Nas Daily, mục sư cho biết hầu hết các bà mẹ bỏ lại con chỉ mới 20 tuổi, có những người còn trẻ hơn.
Rất nhiều em bé được để lại trong hộp với một bức thư. Người mẹ kể lại câu chuyện đau lòng của mình, cùng lời xin lỗi gửi đến đứa con nhỏ bé của họ. Thâm tâm những người mẹ ấy không muốn bỏ con, nhưng họ sợ hãi và không thể đối diện với áp lực từ xã hội.
Mục sư Lee kể lại trong bộ phim tài liệu “Drop box”: “Đã có một người phụ nữ trẻ nói với tôi rằng, cô ấy đã có ý định tự sát cùng con bằng thuốc độc. Nhưng tôi đã nói với cô ấy rằng, đừng làm thế, hãy đến chỗ chúng tôi cùng với đứa bé”.
Đây chính là lý do khiến mục sự Lee biết mình cần phải hành động. Ông không thể tiếp tục nhìn những người mẹ đầy sợ hãi bỏ rơi con mình trên phố, và rất nhiều đứa trẻ đã chết trước khi có ai đó tìm thấy chúng.
Ý tưởng về “Chiếc hộp nhận trẻ của ông” cho phép các bà mẹ đơn thân có thể gửi gắm những em bé sơ sinh cho ông, thay vì để mặc chúng trên những phố. Ông sẽ chăm sóc, cho chúng ăn và đảm bảo chúng được khỏe mạnh trước khi gửi chúng tới các nhà trẻ mồ côi.
Không chỉ nghĩ đến những đứa trẻ, mục sư Lee còn quan tâm tới những người mẹ trẻ. “Khi chúng tôi mở cửa và nhìn thấy những người mẹ, chúng tôi sẽ nói “hãy chờ một lát, chúng ta có thể nói chuyện một vài phút được không?, khi đó, tôi sẽ cố gắng khuyên nhủ họ”, mục sư Lee cho biết.
Ông thường khuyên những người mẹ hãy dũng cảm nhận trách nhiệm nuôi dưỡng những đứa con của mình. Nếu họ có khó khăn về mặt tài chính, ông có thể giúp họ nhận được sự trợ giúp tù cộng đồng “Chiếc hộp nhận trẻ”. 17 người mẹ đã dũng cảm thay đổi quyết định của họ, khi nghe lời khuyên nhủ của mục sư.
Hàn Quốc là một đất nước còn rất tôn trọng quan niệm hôn nhân truyền thống. Những bà mẹ đơn thân không được chào đón và việc nuôi con dưới áp lực lớn như vậy cũng không dễ dàng. Với quan niệm này, công việc đón tiếp trẻ sơ sinh của mục sư Lee cũng gặp nhiều những luồng ý kiến trái chiều.
“Tôi đã đấu tranh rất nhiều năm với nhà nước để những chiếc hộp này còn hoạt động”, Mục sư chia sẻ với Nas Daily. Nhà nước cho rằng hành động của ông khiến cho nhiều người có thể dễ dàng chối bỏ trách nhiệm làm cha mẹ của mình hơn. Ông thậm chí còn có thể bị kiện vì tội danh tiếp tay cho hoạt động bỏ rơi trẻ em. Tuy nhiên, những ý kiến này không đủ để thuyết phục mục sư dừng lại. Với ông, sự sống của những đứa trẻ là điều quan trọng nhất.
Chúng ta không thể phủ nhận được lòng nhân từ và tình yêu mà mục sư Lee đang dành cho những đứa trẻ. Ông là người trao gửi trọn vẹn niềm tin cho Chúa. Đó là lý do khiến trái tim và lương tâm khiến ông không thể đứng nhìn những sinh linh nhỏ phải chết. Tuy nhiên, luồng ý kiến trái chiều cũng mang lại nhiều điều suy ngẫm.
Mục sư Lee cho rằng sau này những chiếc hộp nhận trẻ không nên tồn tại nữa, bởi xã hội Hàn Quốc nên mở rộng tấm lòng hơn với những người mẹ đơn thân, để họ có cơ hội nhận trách nhiệm nuôi dưỡng những đứa con của mình.
Tuy nhiên, “chiếc hộp nhận trẻ” hay “việc thay đổi quan niệm” của xã hội có thực sự khiến số lượng trẻ em sinh ra ngoài hôn nhân giảm xuống, từ đó là những giải pháp tối ưu để chấm dứt vấn đề xã hội đầy thương tâm này?
Hay việc xây dựng lại quan niệm đúng đắn về hôn nhân truyền thống trong mỗi người trẻ mới là giải pháp có thể trị tận gốc vấn đề? “Thái độ không chấp nhận các bà mẹ đơn thân” liệu có phải là một điều xấu cần thay đổi? Hay đó là một áp lực vô hình nhưng cần thiết, để giúp người trẻ có thể cẩn trọng và cân nhắc hơn về những hành động của mình, từ đó tránh được những lần mang thai ngoài hôn nhân và sau đó là việc bỏ rơi chính con mình một cách ngoài ý muốn?
Tâm Như biên tập