Vụ án Lệ Chi Viên
Nước Đại Việt, Vua Lê Thái Tông đời hậu Lê, con thứ của vua Thái Tổ Lê Lợi, tên là Nguyên Long, 11 tuổi lên ngôi vua, dù con bé nhưng chính sự trong triều có thể tự tay mình quyết. Biết tin các quan lợi dụng chức quyền như Lê Ngân, Lê sát thì ra lệnh xử trảm; trong nước thì đánh Ngọc Ma, bắt Cầm Quí và bình được các Thổ tù ở Lạng Sơn, Gia Hưng.
Lê Thái Tông được người đời khen ngợi là thông minh dũng trí, nhưng mà người đa tài tất cũng đa tình háo sắc. Thấy Nguyễn Thị Lộ là thiếp của Nguyễn Trãi, dung mạo rất đẹp, văn chương hay nên cho gọi vào cung, phong làm chức Lễ nghi học sĩ. Ngày đêm hầu bên cạnh vua.
Hoàng hậu khi đó có tính ghen rất ghê ghớm. Bà biết tính vua đa tình nên canh chừng nghiêm ngặt vua Thái Tông không dám phạm vào điều cấm. Năm Nhâm tuất (1442), vua Thái Tông ngự đông tuần ở huyện Chí Linh. Lúc bấy giờ, Nguyễn Trãi đã về trí sĩ ở Côn Sơn, huyện Chí Linh, nhà vua ghé vào thăm. Khi ấy, Thị Lộ cũng ở đó với Nguyễn Trãi. Khi sắp về triều, nhà vua truyền chỉ cho Thị Lộ cùng theo nhà vua về một thể, Thị Lộ phải vâng lệnh.
Xa giá về đến Thiên Đức Giang (Bắc Ninh) thì trời vừa tối. Vua truyền xe dừng lại, vào vườn Lệ Chi (vườn vải) để nghỉ. Đêm ấy trời trong trăng tỏ, vua truyền bày tiệc rượu cùng Thị Lộ đối ẩm và xướng họa thơ văn. Thị Lộ không dám cãi lệnh, hai bên câu xướng, câu họa, rượu mời. Sắc đẹp của Thị Lộ càng lộng lẫy xinh đẹp dưới ánh trăng trong vườn. Nhà vua vốn còn trẻ tuổi lại đa tình háo sắc, từ lâu trong lòng sẵn ôm mối tình với Thị Lộ nay mới có dịp gần bên người ngọc, thêm men của rượu nữa càng say sưa vì sắc, quyến luyến vì tình nên không còn giữ được vẻ đứng đắn của một bậc chí tôn đối với kẻ bề tôi được nữa.
Tất cả tình tiết đó đều không lọt qua được con mắt dõi theo của bà hoàng hậu có tính ghen ghê ghớm. Thị Lộ cũng uống nhiều rượu nên ngủ thiếp đi không biết, đến sáng hôm sau quân lính đến bắt mới biết tin vua đã băng hà. Triều đình khi đó lập tức quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua, bắt Nguyễn Trãi chu di tam tộc, vua Lê Nhân Tông khi ấy mới 2 tuổi đã lên ngôi nên triều chính khi ấy là sự tranh giành quyền lực giữa hoàng hậu các vương phi và các quan đại thần.
Nguyễn Trãi là công thần khai quốc của thời Hậu Lê, một văn thần có rất nhiều đóng góp trong khởi nghĩa Lam Sơn. Đến thời bình thì Nguyễn Trãi không được dùng, vì có nhiều quan điểm bất đồng với các đại thần khác. Nguyễn Trãi về quê ở ẩn năm 1439, đến năm 1442 thì qua vụ án ở Lệ Chi Viên mà bị chu di tam tộc. Người con duy nhất của Nguyễn Trãi còn sống sót là Nguyễn Anh Vũ, đến thời vua Lê Thánh Tông 1464 Nguyễn Trãi được minh oan, Nguyễn Anh Vũ được cất làm quan huyện, được truy tặng tước hiệu là Tế Văn Hầu.
Biên tập Thông Lộ