Yến Tử đi nước Sở
Yến Tử hay còn gọi là Yến Anh là một nhân vật lịch sử nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc, tự là Bình Trọng, sinh năm 578 TCN ở Sơn Đông, mất năm 501 TCN ở Truy Bác. Yến Tử làm quan hai triều vua Tề Trang Công và Tề Cảnh Công thời Xuân Thu. Ông có dáng thấp nhỏ nhưng có trí tuệ thông minh hơn người và là một vị quan tài ba của nước Tề. Ông có tài xử thế và ngoại giao linh hoạt.
Nước Sở là một nước mạnh vào thời đó, hàng năm nhiều nước chư hầu đều phải mang lễ vật đến triều cống để tạo mối giao hảo. Vua Tề sai Yến Tử sang sứ đi nước Sở. Sở Linh Vương nghe nói Yến Tử là người có tài, nên hội quần thần đến họp để bàn kế làm nhục Yến Tử, mục đích là để phô trương thanh thế của mình.
Khi Yến Tử đến Sở, quan Thái Tề sai lính đóng cửa thành lại không cho Yến Tử vào, mà chỉ vào một lỗ khoét ở cửa Đông nói với Yến Tử:
– Tướng Ngài lùn nhỏ, có thể chui qua lỗ đó được, nên không cần mở thành.
Yến Tử biết vua Sở muốn làm nhục mình, nên đáp lại rằng:
– Nước Sở là một nước lớn thì phải đi cổng lớn mới vào được nước Sở, nếu chui vào cổng chó này không nhẽ ta lại đến nước chó sao?
Quân giữ thành tâu cho Sở Linh Vương hay. Sở Linh Vương nói:
– Ta muốn làm nhục hắn, không ngờ lại bị hắn làm nhục trở lại. Thôi, cứ mở cửa cho hắn vào, ta sẽ có cách khác để trả đũa.
Khi cửa thành vừa mở, thấy một người bé thấp ra tiếp đón mình, Yến Tử bèn giục ngựa đi thẳng vào chánh điện để gặp vua Sở. Vua Sở nói:
– Chắc nước Tề đã không có hiền tài rồi, sao lại sai một người lùn nhỏ như ông đi sứ vậy?
Yến Tử đáp:
– Đó lá cái lệ của nước Tề chúng tôi, người hiền sang nước hiền, người ngu sang nước ngu, người nhỏ sang nước nhỏ. Tôi là kẻ hèn mọn nên phụng mệnh sang nước Sở.
Sở Linh Vương cảm thấy hổ thẹn. Một lúc sau võ sĩ nước Sở dắt một phạm nhân tới. Vua Sở hỏi:
– Tù nhân từ đâu tới, đã phạm tội gì vậy?
Võ sĩ đáp:
– Tù nhân là người nước Tề, phạm tội trộm cắp nên bị bắt.
Sở Vương hỏi Yến Tử:
– Người nước Tề hay ăn trộm lắm sao?
Yến Tử đáp:
– Tôi nghe nói, cây quýt trồng ở phía Nam sông hoài thường cho quả ngọt, trái sai, nhưng khi đem trồng ở phương Bắc thì quả đã chua, lại còn ít nữa. Tại sao thế? Đó là do phong thổ nơi đó. Người nước Tề giữ đạo luân thường, xưa nay vốn không trộm cắp, nhưng khi sang làm dân nước Sở lại sanh tật xấu. Tại sao thế? âu cũng là do phong thổ vậy.
Vua Sở muốn ba lần làm nhục Yến Tử mà không được, thầm phục tài ứng đối của Yến Tử nên nói:
– Quả nhân muốn làm nhục các hạ, không ngờ lại bị các hạ làm nhục lại. Các hạ quả là bậc hiền tài của nước Tề.
Vua Sở bèn ban cho Yến Tử một quả kim quýt. Yến Tử ăn cả vỏ. Vua Sở cười lớn nói:
– Người nước Tề không biết ăn kim quýt hay sao mà lại ăn cả vỏ vậy?
Cả triều thần cười ầm lên. Yến Tử điềm tĩnh tâu:
– Theo tục lệ của nước tôi thì chúa công ban cho bầy tôi ăn quả mà chưa có lệnh bóc vỏ mà bầy tôi bóc vỏ quăng đi là vô lễ. Nay đại vương ban thưởng cho tôi cũng giống như đại vương tôi ban thưởng cho tôi vậy, chưa có lệnh mà tôi bóc vỏ quăng đi là vô lễ.
Vua Sở phục vô cùng, truyền lệnh mở tiệc chiêu đãi ân cần rồi tiễn Yến Tử về nước.
Thông Lộ Biên tập